Trẻ thích thú học hỏi với thế giới xung quanh một phần nhờ màu sắc đa dạng từ vạn vật bên ngoài, hơn nữa sự phân biệt màu sắc còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng trong vài tháng sau sinh, sự phát triển thị giác của trẻ đối với màu sắc chưa có nhưng sẽ dần được hoàn thiện trong suốt quá trình khôn lớn từng ngày. Vì thế trong bài viết dưới đây, ba mẹ hãy cùng bắt tay vào hành trình tìm hiểu các giai đoạn hấp dẫn trong quá trình phát triển thị giác màu sắc ở trẻ.
1. Lợi ích khi trẻ nhận biết được màu sắc
Màu sắc qua đôi mắt của trẻ không chỉ giúp trẻ nhìn nhận được mọi vật xung quanh một cách thích thú hơn mà chúng còn đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển nhận thức, cảm xúc và hiểu biết của trẻ về thế giới.
Dưới đây là những lợi ích trẻ nhận được về khả năng nhìn màu sắc.
– Kích thích phát triển nhận thức:
Nhận biết và phân biệt giữa các màu sắc khác nhau có thể tăng cường trí nhớ và khả năng chú ý của bé. Khi trẻ học cách liên kết màu sắc với đồ vật, kỹ năng nhận thức của trẻ sẽ được nâng cao.
– Nâng cao tâm trạng và cảm xúc :
Màu sắc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tâm trạng. Ví dụ màu sắc tươi sáng có thể khiến bé cảm thấy vui vẻ và kích thích, trong khi màu sắc nhẹ nhàng hơn có thể có tác dụng xoa dịu.
– Tăng cường khả năng sáng tạo:
Khi trẻ nhận biết màu sắc, trẻ có thể thông qua đó sáng tạo những thứ mình thích với sự kết hợp màu sắc mà trẻ mong muốn.
– Cải thiện kỹ năng giao tiếp:
Ngay cả trước khi biết nói, trẻ có thể thích hoặc không thích một thứ gì đó chỉ dựa trên màu sắc. Khả năng “giao tiếp” này có thể tạo tiền đề cho việc trẻ sử dụng từ ngữ để mô tả những gì chúng nhìn thấy và cảm nhận.
– Tăng cường khả năng học tập:
Dạy trẻ phân biệt màu sắc sẽ kích thích trẻ học hỏi nhanh và ghi nhớ hiệu quả, kích thích trí thông minh và hỗ trợ não phát triển, giúp trẻ lanh lợi và phản xạ tốt hơn.
Lợi ích khi trẻ nhận diện được màu sắc
2. Sự phát triển thị giác của trẻ với màu sắc
Hãy cùng tìm hiểu sự phát triển thị giác của trẻ với màu sắc thay đổi như thế nào qua từng giai đoạn khác nhau
Trẻ từ sơ sinh đến 3 tháng
Sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh vẫn còn khá kém. Ngay từ khi sinh ra, trẻ chỉ có thể nhìn vạn vật xung quanh qua hai sắc thái màu bao gồm đen và trắng, sắc độ xám trung gian. Khoảng 2 tháng tuổi, màu đỏ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn nhờ sự hình thành và phát triển của các tế bào hình nón ứng với dải màu đỏ trong mắt chúng. Màu xanh lam và màu vàng bắt đầu nổi lên vào cuối giai đoạn 3 tháng, nhưng sẽ chưa thể nổi bật như màu đỏ.
Bên cạnh đó, thị lực tổng thể của trẻ giai đoạn này vẫn còn hạn chế, mọi thứ nhìn thấy vẫn còn khá mờ và chỉ có thể nhìn thấy vật thể trong phạm vi 20 – 30 cm. Trẻ sơ sinh thường bị thu hút bởi những họa tiết và hình dạng có độ tương phản cao trong những tháng đầu tiên này.
Sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh
Sự phát triển thị giác của trẻ từ 4 – 6 tháng
Quá trình phát triển thị giác của trẻ đã bắt đầu có sự thay đổi từ 4 tháng tuổi, lúc này khả năng phân biệt màu sắc được tăng cường hơn, màu xanh lá cây bắt đầu trở nên dễ phân biệt hơn, các màu cơ bản khác cũng trở nên rõ ràng hơn và trẻ có thể bắt đầu thể hiện sở thích.
Thời gian chính xác để trẻ phân biệt được các màu sắc này sẽ rất khác nhau tuỳ vào từng trẻ, do vậy, sẽ không có mốc thời gian chung nào cho sự phát triển này cả.
Cho đến cuối tháng thứ 6, tầm nhìn màu sắc và thị giác của trẻ, hầu hết đều đã gần giống với người lớn.
Trẻ từ 7 – 9 tháng
Với khả năng nhận biết màu sắc gần như đầy đủ, từ 7 – 9 tháng trẻ bắt đầu nhận biết được màu sắc rõ ràng. Nhờ vậy mà trẻ sẽ thể hiện được sự yêu thích rõ ràng đối với một số đồ chơi hoặc đồ vật nhất định dựa trên màu sắc, kéo theo đó là khả năng tương tác nhiều hơn với môi trường và những đồ vật đầy màu sắc xung quanh.
Trẻ từ 7 – 9 tháng có thể nhận diện rõ được nhiều màu sắc hơn
Sự phát triển thị giác của trẻ từ 10 đến 12 tháng
Sự phát triển thị giác của trẻ đối với màu sắc trong giai đoạn này đã hoàn thiện, trẻ không chỉ nhận biết được màu sắc mà còn bắt đầu liên kết chúng với các đồ vật, ví dụ như nhận biết màu vàng của quả chuối hay màu xanh của lá cây. Khả năng ghi nhớ của trẻ được cải thiện, cho phép chúng ghi nhớ và nhận biết những đồ chơi hoặc đồ vật có màu sắc yêu thích.
Sự phát triển thị giác của trẻ với màu sắc thay đổi vô cùng nhanh chóng vì thế ngay từ sớm ba mẹ có thể dạy trẻ cách phân biệt màu sắc nhờ vào số lượng màu mà trẻ có thể nhận thấy được qua các giai đoạn. Nhờ đó, trẻ nhanh chóng được học hỏi nhiều điều mới, tạo “nền tảng” vững chắc cho việc học tập trong tương lai.
Nguồn tham khảo: https://parenting.firstcry.com/