Trẻ bị đầy hơi chướng bụng: Nguyên nhân và cách xử lý

Mỗi khi trẻ bị đầy hơi, cảm giác căng tức, đau bụng khiến trẻ khó chịu và quấy khóc rất nhiều. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy không gây nguy hiểm nhưng nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời đầy hơi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ về sau. Để giúp ba mẹ nắm rõ hơn, trong bài viết này, Ambrosia sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích về triệu chứng đầy hơi chướng bụng khó tiêu ở trẻ.

1. Biểu hiện khi trẻ bị đầy hơi

Rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột hoặc sự rối loạn lên men vi sinh vật sẽ sản sinh ra một lượng khí gas lớn, nhưng khi không đi qua đường ruột dễ dàng, chúng sẽ bị tích tụ lại một chỗ chủ yếu trong dạ dày dẫn đến tình trạng đầy hơi chướng bụng.

Nếu quan sát kĩ, ba mẹ có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu trẻ bị đầy hơi như:

– Sau 1 đến 2 giờ ăn, bụng trẻ bị đầy hơi sẽ căng tròn chứ không phẳng và mềm. Khi vỗ nhẹ âm thanh tạo ra giống như tiếng trống

– Trẻ ợ hơi nhiều để đào thải khí ra bên ngoài

– Trẻ nôn trớ sau khi ăn

– Trẻ quấy khóc, không chịu bú mẹ hoặc sữa công thức

– Trẻ đi tiêu phân lỏng

– Không đánh rắm như bình thường


Biểu hiện khi trẻ bị đầy hơi chướng bụng

2. Trẻ bị đầy hơi chướng bụng do đâu?

Nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi chướng bụng như sau:

– Trong quá trình bú mẹ, bú bình hoặc khóc, trẻ nuốt phải rất nhiều không khí

– Bị dị ứng hoặc không dung nạp với các thành phần trong sữa công thức hoặc sữa mẹ cụ thể là đường lactose và protein dẫn đến đầy hơi.

– Do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện, vẫn đang phát triển và học cách xử lý thức ăn, phân và khí nên dễ ứ hơi.

– Cho trẻ bú hoặc ăn quá no

– Những bệnh lý về tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy, táo bón cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đầy hơi

– Sự thay đổi về chế độ ăn uống từ uống sữa sang ăn dặm với nhiều loại thực phẩm đa dạng hơn khiến hệ tiêu hóa chưa thể làm quen kịp

– Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, một số loại thực phẩm mà mẹ ăn hằng ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ và gây ra tình trạng đầy hơi. Vậy mẹ ăn gì khiến trẻ bị đầy hơi? Các loại đậu, bắp cải Bruxen, bắp cải, súp lơ và súp lơ xanh, yến mạch, quả bơ, đào, lê, cam, socola, đồ uống có gas, cafein.…….

3. Cách xử lý khi trẻ bị đầy hơi chướng bụng

Trẻ bị đầy hơi không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thu dinh dưỡng. Vì thế, ba mẹ cần áp dụng ngay những cách xử lý khi trẻ bị đầy hơi dưới đây. Tuy nhiên cũng có rất nhiều cách khác để “đánh bay” triệu chứng này ở trẻ nhưng nó chỉ phù hợp với một số độ tuổi nhất định chủ yếu là với trẻ lớn hơn ( > 1 tuổi). Do đó, những phương pháp dưới đây được chọn lọc để áp dụng với hầu hết trẻ trong mọi độ tuổi khác nhau.

Massage bụng cho trẻ

Sau ăn khoảng 30 phút, mẹ hãy dùng các ngón tay xoa bụng cho trẻ bị đầy hơi theo chiều kim đồng hồ từ lỗ rốn ra ngoài bụng. Ngoài ra, để giảm việc chà sát tay của mẹ vào da trẻ, mẹ có thể thoa thêm dầu massage, vừa giảm đau, vừa giúp trẻ thêm thư giãn, thoải mái, giảm cảm giác khó chịu vì bị đầy bụng.


Massage bụng để giảm đầy hơi

Hãy giúp trẻ xì hơi

Xì hơi là phản ứng sinh lý bên trong cơ thể nhưng mẹ vẫn có thể can thiệp để giúp các khí gas tích tụ đó được đẩy ra ngoài. Đầu tiên, mẹ hãy bế trẻ lên sao cho bụng trẻ nằm ngang trên cánh tay mẹ. Sau đó, dùng tay vuốt lưng nhẹ nhàng cho bé xì hơi dễ hơn.

Ngoài ra, một phương pháp khác giúp bé xì hơi nhanh chóng được gọi là động tác “đạp xe”. Theo đó, mẹ đặt bé nằm ngửa, nắm phần chân gần đầu gối, đẩy chân lên phía ngực, chân còn lại đẩy xuống phía dưới. Sau khoảng 1 phút hãy đổi bên và lặp lại một lần nữa.

Giúp trẻ ợ hơi

Sau khi trẻ ăn xong, mẹ hãy đợi vài phút rồi hãy bế bé sao cho đầu tựa vào mẹ, vỗ nhẹ lưng cho đến khi nghe thấy tiếng ợ hơi.

Giúp trẻ ợ hơi giảm đầy bụng

Trẻ bị đầy hơi hãy chườm nóng bụng

Lấy khăn xô nhúng vào nước nóng và gấp gọn đặt lên bụng bé để chườm. Nhưng hãy thật lưu ý về độ nóng của nước để không làm trẻ bị bỏng. Hơi nóng và sức nặng của cái khăn sẽ giúp đẩy hơi trong bụng trẻ ra dễ dàng hơn.

Nuôi một em bé không phải là công việc dễ dàng đối với ba mẹ nhất là với những người mới bắt đầu làm cha làm mẹ. Vì thế hãy trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ nhất để quá trình chăm sóc bé được tốt hơn, hạn chế được một số tác động từ cả bên trong lẫn bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

*Thông tin sưu tầm*

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *